Văn hóa thưởng trà xưa và nay của người Việt
Văn hóa thưởng trà của người Việt đã có từ rất lâu đời. Gắn liền với đời sống tinh thần của triệu triệu người con từ xưa đến nay. Dẫu “bãi bể nương dâu”, “vật đổi sao dời” nét văn hóa tao nhã đó vẫn không hề biến mất, vẫn được lưu truyền từ đời này qua đời khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác, thấm đẫm vào tâm hồn, vào cốt tủy của mỗi người con đất Việt.
Thưởng trà xưa
Xưa, uống trà bao gồm nhiều phong thái. Phong thái uống trà của quý tộc khác, bình dân khác. Cái khác biệt thể hiện rõ rệt từ cái cơ bản nhất như là từ việc chọn lá trà, cách chế biến một ấm trà, cho đến tâm thế uống trà.
Tầng lớp bình dân pha trà, uống trà rất thô sơ. Họ cho lá trà tươi được rửa sạch vào nấu thành nồi. Hoặc, họ cho lá trà khô vào ấm, ủ rồi uống. Công đoạn pha trà hết sức đơn giản, không cầu kì, kiểu cách, thế nhưng những ấm trà như thế luôn được đón nhận hết sức nồng nhiệt. Một chõng tre, một tích trà, người ta chuyền tay nhau chén trà nóng hổi, kể nhau nghe những chuyện đời thường, gồng gánh nhau qua những tháng ngày cơ cực. Chén trà kết thân, chén trà thôn quê, chén trà làng xóm, chén trà bình dị đi suốt những năm rộng tháng dài.
Khác với tầng lớp bình dân, quý tộc xưa uống trà cầu kỳ hơn. Cầu kỳ, kỹ lưỡng từ việc chọn loại trà, chọn lá trà, chọn dụng cụ pha, loại nước, độ lửa cho đến chén đựng trà. Giới quý tộc uống trà hướng tới tâm thế thư nhàn. Họ tìm đến trà để cảm nhận sự bình yên trong tâm hồn, tạm gác những lo toan về triều chính, bán buôn hay sách vở, tìm đến những phút giây “tĩnh lặng”, thư nhàn.
Thưởng trà nay
Ngày nay, khi mà xã hội ngày càng phát triển, thức uống đóng chai tràn lan khắp mọi chốn thành thị thôn quê. Không thể phủ nhận rằng, sự xuất hiện của những thức uống “công nghiệp” này nhận được sự quan tâm và yêu thích của nhiều người. Ấy thế nhưng, suốt bao nhiêu năm qua nó vẫn chưa vào giờ đánh đổ, xóa bỏ, hay thay thế được vị trí của trà trong lòng người dân Việt.
Người ta vẫn yêu trà như thuở ban đầu. Ấm trà thơm vẫn không thể thiếu trong gia đình mỗi dịp xuân về tết đến. Người ta vẫn tìm đến trà như một thức uống cho tâm hồn. Vẫn tìm tới cuộc hẹn của những cái “tôi” qua những tách trà thơm vấn vít.
Thế nhưng, nay khác xưa ở chỗ, người nay có cơ hội tìm và thưởng thức nhiều loại trà hơn. Và không chỉ uống trà tại gia, những người yêu trà còn có thể hẹn nhau ra quán trà. Cùng nhau đối ẩm, nâng chén trà thơm, bàn chuyện nhân sinh thế thái, “cảm” về những điều bình dị, giản đơn.
Bỏ mặc ngoài kia những “phong ba bão táp”, người ta tìm đến trà, tìm đến chốn an nhiên trong tâm hồn. Để lòng được thanh thản, để tâm được bình yên.