Nghệ thuật pha và thưởng thức trà Việt Nam

  • 1 Tháng Tư, 2018

Việc thưởng trà đã gắn liền với đời sống của người Việt Nam. Nghệ thuật pha trà và thưởng thức được lưu truyền và hoàn thiện qua nhiều thế hệ. Trà được sử dụng phổ biến để tiếp khách và uống trong những dịp sum họp gia đình. Với mỗi loại trà, cách pha trà cũng thay đổi khác nhau. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về cách thức pha trà đặc trưng của người Việt nhé.

Chọn trà ngon

Để có ấm trà ngon thì không thể thiếu trà ngon. Được sự ưu ái của đất trời, Việt Nam sở hữu nhiều loại trà ngon nổi tiếng. Mỗi loại trà đến từ vùng đất khác nhau lại mang hương vị khác nhau. Bạn có thể tùy chọn sản phẩm theo sở thích của mình.

Photo: Trong Chinh

Trà cụ

Ấm, chén là vật dụng rất quan trọng trong việc thưởng trà. Ấm phải giữ được nhiệt độ trong thời gian dài mới là ấm tốt. Người xưa chuộng dùng các loại ấm đất nung, ấm sành để ủ trà. Nguyên nhân là do chất liệu đó giữ nhiệt tốt và không làm mất đi hương vị đặc trưng của trà.

Một chiếc ấm tốt phải đạt được những tiêu chuẩn rất khắt khe. Ấm phải có màu gan gà, chu sa… mang hình dáng quả na, quả hồng quả thị… Thế mới thấy việc thưởng trà cũng lắm nỗi gian truân.

Nước pha trà

Nước dùng pha trà phải là nước sạch, trong. Thứ nước được ưa chuộng nhất là sương đêm đọng trên lá, hoa. Tuy nhiên, phổ biến hơn là nước mưa hoặc nước lấy từ giếng đá ong. Những người sành trà tuyệt đối không sử dụng nước máy, mùi của nước máy sẽ làm mất đi vị ngon của trà.

Pha trà

Việc pha trà cũng giống như học đạo, không thể hấp tấp mà làm hỏng mọi việc. Trước khi pha phải tráng ấm với nước sôi để làm sạch rồi mới cho trà vào. Sau đó tráng trà bằng một lượt nước sôi thật nhanh để làm sạch, loại bỏ những bụi bẩn. Cho nước nóng từ 80 đến 90 độ C vào ấm, chờ 2 phút để trà thôi đều.

Lưu ý khi pha chỉ pha vừa đủ để uống một lượt. Không pha quá nhiều tránh làm nguội trà.

Rót trà

Tưởng như việc rót trà là đơn giản nhưng cũng phải đạt được những yêu cầu khắt khe. Rót trà sang tống rồi mới rót sang từng chén để trà được hòa đều. Tránh tình trạng chén đậm quá, chén nhạt quá. Khi dùng hết thì ủ lượt mới để đảm bảo trà luôn nóng và thuần vị nhất.

Chỉ từ một thức uống dân dã, người Việt Nam đã biến trà trở thành một nét văn hóa không thể tách rời trong đời sống. Việc ngồi cạnh thưởng thức hương vị trà, ngắm chủ nhân pha trà một cách thuần thục cũng đủ để chúng ta thấm được cái tình trong từng chén trà thơm.

Tin liên quan