Nét tinh túy văn hóa Việt: Người Việt uống trà từ khi nào?
Cùng với cà phê, trà là thức uống phổ biến nhất thế giới. Tuy nhiên, tùy từng nền văn hóa và điều kiện thiên nhiên, mà cách uống trà cũng như loại trà cũng khác nhau. Vậy người Việt uống trà từ khi nào?
Đã từ lâu các nước Á Đông được coi như cái nôi của văn hóa trà trong đó có Việt Nam. Cùng với đó là một hệ thống các loại trà, được rất nhiều khách trên thế giới đón nhận. Bởi lẽ, trà của Việt Nam mang đậm những hương vị rất riêng, rất đặc trưng chỉ có đất nước hình chữ S mới có thể thấm đậm và cho ra đời những loại trà đặc biệt đến như vậy.
Cội nguồn của trà Việt
Ở Việt Nam, tục uống trà có từ lâu đời. Người Việt Nam biết đến trà sớm hơn nhiều so với các nước. Trong một tài liệu khảo cứu của Ủy ban khoa học xã hội thì người ta đã tìm thấy những dấu tích của lá và cây chè hóa thạch ở vùng đất tổ Hùng Vương (Phú Thọ). Họ còn cho rằng cây chè đã có từ thời kỳ đồ đá sơn vi. Cho đến nay, ở vùng Suối Giàng (Văn Chấn – Nghĩa Lộ – Yên Bái), trên độ cao 1.000m so với mặt biển, có một rừng chè hoang khoảng 40.000 cây chè dại, trong đó có một cây chè cổ thụ lớn nhất, ba người ôm không xuể. Những điều này đã chứng minh rằng “văn hóa trà Việt” đã có từ rất lâu.
Văn hóa trà Việt được thể hiện ở chỗ uống trà của người Việt gần gũi, giản dị, nhưng cũng rất đỗi tinh tế. Người Việt không uống trà nhiều, uống đặc và liên tục mà uống trà để thưởng được sự tế nhị và thanh tao chìm đắm trong hương vị trà. Uống trà đối với người Việt chính là để mình giao hòa với thiên nhiên đất trời bốn mùa. Người thưởng trà phải pha trà làm sao cho màu nước trà phải xanh ngả vàng nhẹ, hương trà, hương hoa tự nhiên phản ánh một Việt Nam cần cù lao động, gần gũi mà thân thương. Vị đắng chát gợi lên nỗi vất vả, cần lao của những người làm trà truyền thống bao đời nay. Hậu vị ngọt mát của trà chính là tâm hồn người Việt giàu tình, giàu nghĩa, có thủy, có chung.
Thưởng trà thú vui tao nhã mà tinh tế
Khi uống trà, người việt cũng rất tinh tế không vồ vập mà từ từ nhẹ nhàng thưởng thức hương vị của trà bằng khứu giác và vị giác. Khi uống mọi người phải uống từng ngụm nhỏ, để cảm nhận hết cái dư vị thơm của trà, cái hơi ấm của chén trà tỏa hòa quyện với hương thơm thoảng trong gió. Bên ấm trà ngon, người cùng uống với người bạn hiền, dưới ánh trăng thanh gió mát, ngắm khung cảnh tĩnh mịch ngâm vài câu thơ bỏ quên sự đời. Đó là những thú vui thưởng trà tao nhã của những bậc quan nhân hay những người trí thức còn đối với người dân dã thì đơn giản hơn. Họ chỉ cần một ấm trà và vài chiếc ly là có thể nhâm nhi với nhau cả ngày bàn luận chuyện đời thế sự.
Như vậy, trà đã đi vào tâm hồn người Việt một cách tự nhiên, tĩnh lặng, văn hóa trà Việt không chỉ thể hiện một thứ thức uống phổ biến trong đời sống hàng ngày mà còn trở thành một phong tục tập quán, một thú vui thanh tao của người Việt.