Tìm hiểu Trà Việt: Thập đại danh trà Việt Nam

  • 21 Tháng Một, 2018

Chúng ta vẫn thường được nghe về thập đại danh trà Trung Hoa, thậm chí có người còn có thể đọc tên vanh vách và vô cùng sành sỏi. Nhiều người cho rằng, việc sở hữu, uống những chén trà kia là sang, quý và trở nên lơ là với những sản phẩm trà Việt. Thế nhưng, riêng Shanam lại có cái nhìn khác.

Nước chúng ta, là một trong 3 vùng nguyên sản trà lớn nhất thế giới, bên cạnh Ấn Độ và Trung Quốc. Là một đất nước mà từ ngàn đời nay trà đã trở thành thức uống hằng ngày, là thức uống tinh thần của vạn vạn người con đất Việt. Từ Bắc chí Nam, chẳng nơi nào vắng bóng chén trà thơm. Trà của chúng ta được đánh giá cao chất lượng, mộc mạc, thuần chất, không có can thiệp công nghiệp và đặc biệt sạch. Vậy nên, thay vì chuộng những dòng trà Trung Quốc, hãy cùng chúng tôi chu du khắp miền đất nước, lội ngược dòng thời gian, tìm về những tinh hoa của trà Việt. Qua bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu với các trà hữu về Việt Nam thập đại danh trà, quý vị sẽ được thêm hiểu, thêm yêu, thêm trân quý và từ đó hãy ủng hộ thức trà của quê hương.

1. Trà shan tuyết cổ thụ

Cội nguồn của búp trà shan tuyết là những gốc trà hoang hàng trăm tuổi nằm trên những vùng núi cao, trên các dãy hoàng Liên Sơn hay tây Côn Lĩnh. Ở những nơi núi vượt tầm mây, thuộc các tỉnh Yên Bái, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La… và một số nơi khác. Cái tên Shan tuyết (nghĩa là “ tuyết trên núi”) bắt nguồn từ sắc trắng tinh khôi như tuyết của lớp lông mao dày trên búp non. Nhưng cũng có người cho rằng tên gọi này là do những cây trà mọc trên địa hình cao hiếm có, vượt tầm mây. Được lớp mây mù quanh năm bao phủ, những búp trà thanh khiết như tặng phẩm quý giá của linh sơn.

Trà shan tuyết là một trong những loại thượng phẩm danh trà, thường được dùng trong các buổi tiếp đãi các vị nguyên thủ quốc gia. Người ta ví thưởng thức trà shan tuyết tựa như ăn mía từ ngọn, vị ngọt của nước trà cứ đượm dần qua mỗi lần nước. Khiến tâm hồn người uống được thả lỏng, chạm đến hư vô, với gió, với mây, nghe được bài ca của thiên nhiên hoang sơ thuần hậu, bài ca của những gốc trà đại ngàn khi đón gió.

Thế nhưng, theo thống kê, hiện nay cả nước ta chỉ còn khoảng hơn 80 ngàn gốc trà, số lượng đang giảm dần do sự khai thác quá mức. Điều đó khiến cho việc thưởng thức những chén trà shan càng trở nên trân quý.

2.Trà tân cương Thái Nguyên

“Hương thơm, sắc nước xanh màu

Nhấp môi đắng chát, ngọt sâu hậu bùi…”

Đây là những câu ví nói về trà Tân Cương, loại trà đã làm say đắm lòng không biết bao người thưởng thức. Mang danh đệ nhất danh trà đất Việt, loại trà này mang một hương vị đặc biệt mà chẳng thể lẫn vào đâu, không thể lẫn với bất cứ loại trà nào trên thế giới.

Bạn có tin không, mỗi một lá trà đều mang trong mình những câu chuyện riêng, là những ký ức về cội nguồn của nó. Nếu có dịp bạn hãy một lần thưởng thức trà Thái. Nhấp một ngụm trà ấm nóng, bình tâm cảm nhận. Hãy để vị thơm chát của lá trà dẫn dắt, nó sẽ mở ra cho bạn một không gian khoáng đạt, về một vùng đồi núi trập trùng với những đồng chè xanh bát ngát; thả mình theo mây gió lang thang để nghe tiếng chim líu lo và tiếng cá tầm nhảy nhót tung tăng xao động mặt hồ núi Cốc.

3.Trà Mạn Hảo

Phải nói rằng loại trà thất truyền khiến cho hậu thế ngẩn ngơ nhất là trà Mạn Hảo. Loại trà đã từng một thời được mệnh danh là quốc hồn của Việt Nam. Từng một thời được xem là một trong 3 thú vui của đấng nam nhi Việt vào thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Đã từng phổ biến, đi vào những câu ca dao truyền miệng của người đời:

“Làm trai biết đánh tổ tôm

Uống trà Mạn Hảo ngâm nôm Thúy Kiều.”

Thế nhưng, sau những biến cố, thăng trầm, sau thời kỳ nước nhà loạn lạc, sau khi mất vùng Mạn Hảo do hiệp ước Pháp – Thanh, năm 1885 trà Mạn đã đi vào dĩ vãng, trở thành sự tiếc nuối, là nỗi niềm đau đáu của những người con hậu thế.

Ngày nay, nhiều nhà máy xí nghiệp đã đầu tư không ít tiền của để phục chế trà Mạn Hảo xưa. Thế nhưng số lượng không nhiều và chỉ tập trung ở phía Bắc. Hi vọng rằng, với những sự nỗ lực không ngừng nghỉ, trà Mạn xưa sẽ được phục chế. Để hậu thế được nếm vị ngọt lưu giữ vấn vương nơi cổ họng, thưởng thức sắc nước hổ phách huyền ảo mê hoặc lòng người. Để được kết nối với thế hệ xưa, một thời trà Mạn vàng son của ông cha ta ngày trước.

4.Trà Bạng

Trà Bạng là biểu trưng cho cả xứ chè Thanh Hóa. Đây là thức trà gắn liền với đồng bào người Mường, Thái. Nơi từng một thời vang danh với những vùng chè cổ được ghi vào dư địa chí. Là một trong những đặc sản tiến vui nổi tiếng khi xưa. Thế nhưng, ngày nay những dấu vết của những đồi chè còn lại không nhiều, phổ biến nhất chỉ còn lại những đồi chè phía bắc tỉnh.  

Khác với những loại chè khác, chè Bạng có cách chế biến vô cùng độc đáo: nguyên liệu được chọn từ lá chè bánh tẻ, phơi khô rồi giã nát và đun lên uống. Do đó, chất trà đậm và giữ được hương vị chè tươi, thế nhưng chỉ cần bận nhấm nháp thêm chút bánh Lam bản địa, vị đắng chát sẽ được dung hòa.

 

5.Trà đậm Nghệ An

Vùng Tân kỳ, Thanh Chương là nơi sản sinh ra chè Nghệ. Trên những vùng đất mờ mây phủ, từng đồi chè thấp thoáng bát ngát, xanh rờn, kéo dài trùng điệp.

Người Nghệ An thích uống chè đậm, người ta vẫn dùng hình ảnh ví von “bát chè cắm tăm” để nói đến độ đậm đặc của chè. Hầu như, mỗi gia đình người Nghệ đều có một lư ủ và một ấm nước chè. Người ta thích uống nước chè thay nước, thích cái vị chát đậm của những lá chè tươi.

Còn gì tuyệt vời hơn, trong những ngày gió Lào về thổi rát hàng tre, ngồi bên ao làng, dưới gốc đa tránh nắng. Người già ngồi trên chõng, kẻ trẻ kê dép quây quần, chính giữa để một ấm trà và vài cái bánh cu – đơ xứ Nghệ. Ngồi nghe các cụ kể chuyện tích xưa, cắn miếng bánh gòn tan, ngọt lịm rồi nhấp một ngụm chè chan chát, liệu còn gì thích hơn?

6.Trà tước thiệt

Trà Tước Thiệt (lưỡi sẻ) theo sách “Văn minh Trà Việt” của nhà nghiên cứu Trịnh Quang Dũng thuộc khu vực châu Sa Bôi (nay là Cam Lộ-Quảng Trị). Đây là loại trà một thời từng vang bóng vào suốt thế kỷ 14 đến tận thế kỷ 17.

Xưa kia, vùng đất Quàng Trị vốn là biên cương, nhiều thổ sản, đã từng có nhiều chè hoang hoặc được người dân trồng. Đến nay, người ta vẫn còn tìm thấy những  dấu tích về các vùng chè cổ vẫn còn lưu lại khắp vùng.

7.Cam khổ ngự trà

Nhắc đến thập đại danh trà đất Việt, không thể không kể đến Cam Khổ Ngự Trà nổi tiếng của vùng Bình Định. Loại trà đã đi vào những câu ca dao dân dã:

“Thương em vất vả với cái bánh mõ bột mì

Nhưng em đừng nghĩ anh chỉ vì này nọ kia.

Anh ”drìa” đến huyện Hoài Ân

Kiếm trà ”Cam Khổ” chia ngọt bùi cùng em”

(Ca dao Bình Định)

“Cam” là ngọt, “khổ” là đắng. Đúng như tên gọi, vị của trà thoạt đầu đắng ngắt, sau ngọt dần. Hương vị trà đúng rất đặc biệt, sắc đậm hơn trà Bắc, hương thô mộc, vị đậm rồi ngọt dần. vị trà thuần chất, mộc mạc tựa như những con người bình Định bình dị, nghĩa tình.

8.Trà Phú Hội

Người dân Nhơn Trạch (đồng Nai) vẫn có câu thành ngữ “Nước Mạch Bà-Trà Phú Hội” nói về hai sản vật nức tiếng nơi đây. Những gốc trà hàng trăm năm tuổi được dòng nước Mạch Bà trong vắt ngày đêm không ngừng tưới tắm. Cho ra một thức trà thơm mát, khiến cho người thưởng thức phải mê say.

Nếu có lần đến thăm Đồng Nai, hãy thử pha trà Phú hội với dòng nước Mạch Bà, bạn sẽ được thưởng thức hương vị thơm ngon mà rất khó tìm thấy ở những loại trà khác..

9.Trà Ô Long

Một trong những loại thượng phẩm danh trà của nước ta là trà Ô Long với các giống trà phổ biến là Kim Tuyên, Tứ Quý, Thúy Ngọc (và 1 số loại nữa như Ô long Trắng, Bát Tiên… nhưng ít phổ biến). Được bắt nguồn từ giống trà Trung Quốc, khi được trồng và tại Việt Nam. Nhờ hợp khí hậu và thổ nhưỡng, những cây trà phát triển và cho những vị rất riêng mà chính người Đài khi thưởng thức cũng phải tấm tắc ngợi khen.

Trà Kim Tuyên, Thuý Ngọc mang sắc xanh đặc trưng, trong trẻo. Hương tựa như hoa ngọc lan buổi sớm, vị chát nhẹ nhưng dư âm ngọt thanh như lúa trổ đòng. Nhấp một hơi thấy trong lòng nhẹ bẫng, phơi phới sắc xuân.

Ô long Tứ Quý sắc tựa như nắng mới mùa thu, hương trà thơm ngọt, vị trà đậm hơn so với các loại Ô long khác, hơi chát nơi đầu lưỡi, hồi lâu ngọt thanh rồi đậm dần.

Mỗi loại trà, mang một vẻ đẹp khác nhau, một hương vị khác nhau, nhưng tựu chung lại đều là những vị trà ngon, khiến người uống phải ngất ngây, mê đắm.

10.Trà Nhất Thiên

Tôi đã từng bắt gặp một câu thơ của thi sĩ Tản Đà khi nói về thú ăn chơi Nam Bắc có nhắc tới “chén trà Nhất Thiên”. Tôi băn khoăn mãi về loại trà Nhất Thiên này, thế nhưng sau khi tìm hiểu mới biết được rằng trà Nhất Thiên thực chất là trà Long Tĩnh bán tại tiệm trà Nhất Thiên của người Hoa Chợ Lớn. Vốn dĩ Long Tĩnh là trà của Trung Quốc, thế nhưng trãi qua hàng trăm năm, cộng đồng người hoa đã trở thành một phần của đất nước. Thế nên, khi nhắc đến thập đại danh trà, chúng ta cũng không thể không nhắc đên loại trà này.

Danh trà Việt Nam đã có hàng ngàn năm nhưng vẫn chưa đủ sức phủ sóng tới bạn bè quốc tế. Phải chăng chúng ta cần cố gắng nhiều hơn trong việc phát triển thương hiệu và nâng cao danh tiếng trà Việt?

Tin liên quan