Thương lắm chõng trà xưa
Trà chõng nó là một mảnh trong nền văn hóa xưa của người Việt và là ấn tượng tốt đẹp trong trí nhớ của rất nhiều người. Những ai đã trên ba mươi hẳn đã từng nhìn thấy cái chõng tre uống trà của ông của cụ ở nhà ngày còn thơ bé.
Gọi là trà chõng là bởi xưa ông cha ta thay vì ngồi bàn, ghế uống trà thì ngồi ở chõng tre để uống. Cái chõng nó gần với cái giường, cái phản nhưng không dùng để nằm mà chỉ dùng để ngồi chơi. Chõng tre thường được đặt trước hiên nhà để uống trà, tiếp khách. Trên chõng bày một bộ đồ trà, thêm một cái điếu cày, đôi ba cây đóm tre. Cứ sáng sáng, các cô con dâu trong nhà lại dậy sớm, đun một ấm nước, hãm ấm chè xanh hoặc pha ấm trà mạn tùy theo sở thích của người lớn tuổi trong nhà. Ngày đông lành lạnh, cứ mỗi người trong nhà đi ngang chõng lại ngồi ghé vào xin một tách trà nóng.
Thưởng trà chõng
Sáng sớm, những người có tuổi thích thức dậy đun nước pha ấm trà. Mang ấm trà còn nóng tỏa hương đặt trên chõng. Từ hiên, vừa thưởng trà vừa ngắm trời đất với tâm thế chào đón bình minh. Thú uống trà chõng vui lên gấp bội khi có ông bạn hiền ghé nhà chơi. Mỗi người ngồi một đầu chõng, bàn trà để giữa cân đối hai bên. Hai người vừa uống trà vừa ngâm thơ, trò chuyện chẳng muốn dời.
Trà chõng giờ đã hiếm, thiếu vắng đi trong đời sống hiện đại.
Thi thoảng ngang qua các ngõ phố, gặp những cụ già ngồi trên chõng, tay bưng ly trà, tay mân mê chòm râu, mắt nhìn bàn cờ. Bỗng thấy nhớ cái chõng xưa kỳ lạ.
Thương quá, chõng trà ơi!